Ngày mai, giải đấu lớn nhất trong năm của Liên Minh Huyền Thoại sẽ chính thức khởi tranh ở Châu Âu với các đội tuyển hàng đầu. Năm nay là một năm vô cùng khốc liệt với các đội tuyển và tuyển thủ xuất sắc xuất hiện ở mọi khu vực từ LCK, LPL cho tới Bắc Mỹ và Châu Âu. SKT T1 đã trở lại CKTG một lần nữa với đội hình toàn sao. G2 Esports sẽ tìm cách giành được chiếc cúp vô địch để hoàn thành kỷ lục “ăn 4” chưa từng có…..
Vậy các tuyển thủ xuất sắc nhất sẽ là ai? Hãy cùng theo dõi nhé!
20/Jo “CoreJJ” Yong-in – Hỗ Trợ – Team Liquid
Nếu có quay lại được quãng thời gian đầu sự nghiệp thì chắc CoreJJ sẽ chỉ nhắn một câu ngắn gọn với bản thân. Đó chính là “Mày đánh AD tệ lắm sang làm Hỗ Trợ đi!”. Sự nghiệp của anh chàng này quả thật là vô cùng lắm thăng trầm. Năm 2015, CoreJJ đã sang Bắc Mỹ thi đấu với tư cách xạ thủ của DIG và có một mùa giải vô cùng thất vọng. Sau đó thanh niên này đã về quê và đổi sang đánh hỗ trợ.
Hóa ra đây lại là một quyết định…đúng. Vô địch giải quốc nội thì chưa (Vì lần nào SSG (Gen.G) cũng đánh từ vòng loại khu vực tới CKTG) nhưng chức vô địch CKTG thì đã có. SSG khi đó đã chấm dứt triều đại thống trị của SKT T1 một cách vô cùng gọn gàng với kết quả 3-0. Năm 2018, sau khi đổi tên thành Gen.G, họ đã quay trở lại CKTG để bảo vệ chức vô địch 1 lần nữa.
Nhưng lần này CoreJJ đã thất bại đau đớn hơn rất nhiều (so với năm 2015), Gen.G đã trở thành đội tuyển thứ 2 trong lịch sử LCK bị loại ở vòng bảng CKTG…Thế là CoreJJ lại khăn gói quả mướp sang Bắc Mỹ thi đấu cho Team Liquid. Đánh cặp với anh chàng này là xạ thủ xuất sắc nhất của Bắc Mỹ, Yiliang “Doublelift” Peng.
“Tôi thấy Doublelift là một tuyển thủ luôn luôn tiến bộ chứ không phải đã đạt thời kỳ đỉnh cao của phong độ. Mỗi năm thi đấu cùng cậu ta, từ giai đoạn đi đường tôi đã thấy được rằng Doublelift đã có sự tiến bộ.”
Nhờ có CoreJJ, Team Liquid đã tiếp tục kéo dài ách thống trị LCS thêm một năm nữa với 2 chức vô địch giải quốc nội liên tiếp. Thậm chí họ còn vượt qua vòng bảng MSI 2019 và đạt danh hiệu Á Quân của giải đấu. Tại giải LCS Mùa Xuân 2019, CoreJJ cũng giành được danh hiệu MVP của mùa giải. Nếu TL muốn vô địch, CoreJJ có lẽ sẽ là người soi sáng con đường cho bọn họ vì…bản thân anh chàng cũng đã từng vô địch.
“Tôi không biết cảm giác leo núi là thế nào nhưng mà mọi người leo núi chắc đều thấy rằng một khi đã chinh phục 1 đỉnh núi cao thì sẽ muốn tìm cái cao hơn để leo tiếp. Họ muốn cảm nhận cái cảm giác chinh phục đó một lần nữa. Tôi cũng vậy, tôi muốn trải nghiệm cảm giác chiến thắng mọi đối thủ và đạt tới đỉnh cao một lần nữa.”
19/Song “Rookie” Eui-jin – Đường Giữa – Invictus Gaming
Xuyên suốt giải LPL Mùa Hè 2019, iG luôn vật vã vì thất bại tại MSI 2019. Họ đã bị Team Liquid…một đội Bắc Mỹ đánh bại, trong khi trước đó thì gần như bất bại tại vòng bảng và lần nào gặp cũng nhét cả đống hành vào mặt Doublelift cùng đồng đội. Đứng ở trung tâm của pha gãy cực mạnh này chính là Song “Rookie” Eui-jin.
Dù có cố gắng đến mức nào, anh chàng này cũng không thể nào gồng gánh được những đồng đội của mình. Các pha xử lý với kỹ năng xuất chúng cũng chẳng còn nữa. Rookie giờ đã thành Rookie thật…Sau 2 trận thua đầu giải mùa hè, anh chàng lại rời iG về quê nhà vì việc gia đình. iG thì tất nhiên là tiếp tục chuỗi ngày lăn lộn.
Họ cũng vào được vòng Play-offs của giải mùa hè. Nhưng rồi lại bị chính đội tuyển của Sofm, LNG Gaming loại với kết quả…3-0. Tưởng rằng sau pha này, iG sẽ nằm luôn ở nhà nhưng không, họ đã lách được qua khe cửa của vòng loại khu vực. Rookie đã lấy lại phong độ vô cùng xuất sắc ngay trong thời kỳ quan trọng nhất.
iG dần dần vượt qua JD Gaming rồi tới Top Esports với 2 trận BO5 đều kéo dài tới ván cuối cùng. Nếu Rookie vẫn giữ được phong độ này thì khả năng đi tiếp của iG tại CKTG 2019 là vô cùng cao. Đa phần chiến thuật của họ đều xoay quanh anh chàng này. Rookie cũng chính là người giúp đốt cháy 2 ngòi nổ TheShy và JackeyLove.
18/Mihael “Mikyx” Mehle – Hỗ Trợ – G2 Esports
Trước 2019, Mihael “Mikyx” Mehle chỉ là một tuyển thủ vô danh được rất ít người hâm mộ quốc tế chú ý mặc dù anh chàng này đã cùng Splyce tới CKTG vào năm 2016. Thế nhưng trong giải quốc nội, anh chàng vẫn luôn được người hâm mộ Châu Âu đánh giá cao về khả năng mở giao tranh và tạo đột biến của mình. Và giờ thì thời của Mikyx đã tới.
Với anh chàng này, G2 đã hoạt động vô cùng trơn tru và đạt được những thành tích không tưởng. 2 chức vô địch giải quốc nội liên tiếp và 1 chức vô địch MSI 2019 đã về tay Mikyx cùng đồng đội. Trước MSI 2019, tưởng chừng như chấn thương tay sẽ làm cho Mikyx không thể thi đấu nhưng anh chàng đã có một pha hồi phục vô cùng nhanh chóng.
Và giờ đây, G2 Esports đang trên con đường hoàn thành kỷ lục “ăn bốn” (vô địch 2 giải quốc nội và 2 giải đấu quốc tế lớn nhất trong năm) chưa từng có.
17/Luka “Perkz” Perković – Xạ Thủ – G2 Esports
Trước khi lên sân thi đấu trận cuối cùng với 1907 Fenebahçe ở CKTG 2017, Luka “Perkz” Perković biết rằng mọi thứ đã kết thúc. Với đội hình mạnh nhất Châu Âu thời điểm đó, G2 Esports vẫn thất bại và không vượt qua nổi vòng bảng, hệt như 1 năm trước đó. Hơn nữa, hợp đồng của các thành viên đã sắp kết thúc, đây cũng là lần cuối họ sẽ thi đấu cùng nhau.
G2 đã giành chiến thắng nhưng cũng chẳng để làm gì. Khi các tuyển thủ ôm nhau chúc mừng chiến thắng, Perkz đã bật khóc. Năm 2018, G2 lại đến CKTG…Nhưng đội hình của họ “chắp vá” hơn 2 năm trước đó rất nhiều. Thế nhưng thành công của họ lại vượt hẳn 2 năm đó. G2 Esports đã vào tới tận bán kết CKTG 2018 và đánh bại gã khổng lồ RNG của LPL.
2019, với đội hình siêu sao, G2 lại càng thành công hơn. 2 chức vô địch giải quốc nội, 1 chức vô địch MSI. Chức vô địch giải quốc tế đầu tiên của Châu Âu kể từ năm 2011. Quyết định chuyển sang đánh xạ thủ của Perkz chưa bao giờ hợp lý đến thế. Lối đánh của Perkz đã ảnh hưởng tới cả đội và tạo ra phong cách dồn dập, đầy đột biến của G2. Bên cạnh đó, bể tướng vô cùng khủng khiếp của Perkz cũng giúp G2 thử nghiệm vô số đội hình “dị hợm” rồi giành chiến thắng.
Năm 2017, Perkz đã thất hứa nhưng kể từ đó tới giờ, anh chàng này đã làm mọi thứ để bù đắp. Nếu G2 giành chức vô địch CKTG 2019 thì chắc chắn là vì Perkz đã đưa họ tới đó.
16/Martin “Rekkles” Larsson – Xạ Thủ – Fnatic
2018 quả thực là một năm không tưởng đối với Rekkles. Trong giải mùa hè 2018, anh chàng đã từng tình nguyện ngồi ghế dự bị khi meta không ưu ái xạ thủ truyền thống. Cho tới khi tình hình trở lại như cũ, Rekkles mới chịu xuất hiện và giúp cho FNC giành chức vô địch giải quốc nội thứ hai liên tiếp trong năm.
Thành công nối tiếp thành công, Rekkles cùng đồng đội đã có một mùa giải CKTG vô cùng đáng nhớ. FNC đạt được vị trí đầu ở vòng bảng rồi tiến thẳng một mạch tới trận chung kết. Tạo một dấu ấn vô cùng đậm nét dành cho Châu Âu và khẳng định vị thế của họ.
Sang tới 2019, với sự thành công của G2 Esports, Rekkles cuối cùng cũng chịu bước ra khỏi vùng an toàn. Anh chàng liên tục sử dụng các vị tướng dị như Karma hay thậm chí Garen ở đường dưới. Thế nhưng nhiêu đó vẫn là chưa đủ. G2 vẫn hơn FNC về mọi mặt và Rekkles đã phải chịu thất bại ở 2 trận BO5 với cùng 1 đối thủ và cùng 1 kết quả…
Chưa hết, ở FNC lại còn rơi vào bảng tử thần với 2 gã khổng lồ khác là SKT T1 và RNG. Liệu Rekkles có thể lấy lại phong độ và dẫn dắt đội tuyển vượt qua vòng bảng CKTG như vẫn làm?
15/Rasmus “Caps” Winther – Đường Giữa – G2 Esports
Đối với Caps, 2019 quả thực là một năm thành công rực rỡ và tràn đầy các con bài “dị hợm”. Lúc đồng đội cần, Caps luôn có mặt, thường là giúp họ thắng giao tranh hoặc giành lợi thế ở hai đường cánh. Đơn giản hơn thì là đè bẹp luôn tuyển thủ đường giữa đối phương với kỹ năng vượt trội. Vây quanh Caps là các tuyển thủ xuất sắc nhất của Châu Âu.
Đôi khi, Caps chẳng cần phải làm gì nhiều vì đã có đồng đội ở đường trên hoặc dưới gánh cả bản đồ. Thi thoảng, Caps vẫn thể hiện điểm yếu của mình, tiêu biểu là trong các ván đấu mà G2 thất bại trước FNC ở 2 trận BO5 trong vòng Play-offs. Nếu muốn tiến xa hơn và giành chức vô địch, đây sẽ là điều mà anh chàng này cần phải giải quyết.
14/Hung “Karsa” Hao-Hsuan – Đi Rừng – Royal Never Give Up
Ở LPL, cuộc tranh cãi về việc Gao “Tian” Tian-Liang hay Hung “Karsa” Hao-Hsuan là người đi rừng số 1 của khu vực luôn diễn ra vô cùng gay gắt. Rõ ràng, FPX đã giành chức vô địch LPL Mùa Hè 2019. Thế nên Tian là người thành công hơn. Nhưng Tian có thể làm vậy cũng một phần là nhờ vào sự xuất sắc của Doinb.
Còn Karsa thì luôn là người cứu RNG khỏi các tình huống ngặt nghèo với khả năng xử lý vô cùng xuất sắc của mình. Lối đánh xoay quanh đường dưới của RNG đã từng khiến rất nhiều tuyển thủ bị “ngộp”, Karsa cũng không phải ngoại lệ. Thế nhưng anh chàng này vẫn luôn thi đấu tốt trong các thời điểm quan trọng.
Nếu RNG muốn tiến xa hơn tại CKTG 2019, Karsa sẽ phải thi đấu xuất sắc hơn nữa và thể hiện bản thân mình trong cuộc đua với các tuyển thủ đi rừng khác như Clid, Tarzan hay Jankos.
13/Liu “Crisp” Qing-Song – Hỗ Trợ – FunPlus Phoenix
Ở FPX, Doinb là tuyển thủ chiếm được sự chú ý nhiều nhất. Thế nhưng người đứng sau anh chàng này, Liu “Crisp” Qing-Song cũng đóng vai trò quan trọng chẳng kém trong đội hình phượng hoàng. Trong trận Chung Kết LPL Mùa Hè 2019, Crisp đã giành được MVP với khả năng roam và tạo áp lự chẳng kém gì Doinb của mình.
loadYouTube();
Bên cạnh đó, khi mà RNG liên tục băng trụ đối với đường dưới của FPX, Crisp đã giữ cho Lin “Lwx” Wei-Xiang an toàn để về sau anh chàng này có thể gánh đội. Sự hiểu biết của Crisp về giới hạn của bản thân chính là một điểm quan trọng trong giai đoạn đầu trận của FPX. Đôi khi nó bị lu mờ bởi các pha xử lý của Tian hay Doinb nhưng tầm quan trọng của nó thì là miễn bàn.
12/Park “Viper” Do-hyeon – Xạ Thủ – Griffin
Đây có lẽ là cái tên gây tranh cãi nhất trong danh sách vì 2 người đồng đội nổi tiếng hơn là Jeong “Chovy” Ji-hoon và Lee “Tarzan” Seung-yong còn chẳng được góp mặt. Chovy là một tuyển thủ đường giữa rất xuất sắc. Thế nhưng đó chỉ là trong giai đoạn đi đường. Một khi nó kết thúc, Chovy lại thành Chokevy và chẳng thể hiện được gì nhiều, đặc biệt là trong trận chung kết với SKT T1. Tarzan cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Người ổn định và xuất sắc nhất trong đội hình của Griffin chính là Viper. Anh chàng này thi đấu với một bộ tướng vô cùng đa dạng từ tướng xạ thủ truyền thống cho tới pháp sư như Ryze hay Vladimir…Thậm chí cả Teemo. Trái với các xạ thủ khác, Viper không có một tuyển thủ đường giữa có thể tự mình gánh đội. Chovy cần phải có sự trợ giúp từ rừng và các đường còn lại. Chính vì vậy, sự ổn định của Viper là một điều không thể thiếu đối với đội hình GRF.
11/Lee “Faker” Sang-hyeok – Đường Giữa – SKT T1
Faker đã tham dự CKTG 4 lần trong năm 2013, 2015, 2016 và 2017. Ba năm đầu thì chức vô địch đều về tay SKT T1 còn năm cuối cùng thì thất bại nặng nề. Sau 1 năm vắng bóng với thành tích đầy bết bát, quỷ vương cuối cùng lại quay trở lại CKTG một lần nữa với kịch bản giống hệt năm 2015. Thế nhưng Faker cũng chỉ xếp thứ 11 thôi.
Đây không phải là năm 2017 khi mà Faker phải gồng gánh đồng đội trong mọi trận đấu. SKT T1 giờ không phải lúc nào cũng sống nhờ Faker mà Khan hay Teddy hoặc Clid mới là người đứng lên khi quỷ vương gục ngã. Tất nhiên, đây vẫn là Faker, dù Clid, Teddy hay Khan có lúc tỏa sáng hơn nhưng khi SKT T1 cần nhất, Faker vẫn là người đứng ra gánh lấy tất cả. Đây sẽ là kỳ CKTG quan trọng nhất trong sự nghiệp của tuyển thủ LMHT vĩ đại nhất.
Theo ESPN
Có gì ném đá hay góp ý thì anh em hãy bình luận ở phía dưới nhé. Ngoài ra đừng quên ghé Liên Minh 360 mỗi ngày để cập nhật tin tức mới và bổ ích nhất liên quan tới Chung Kết Thế Giới 2019 cũng như LMHT!