Đi rừng là một trong những vị trí được trau chuốt, đầu tư và quan tâm nhất trong bộ môn LMHT. Chẳng bởi vậy mà rất nhiều tuyển thủ thành danh và lụi tàn cũng bởi khi thi đấu ở vị trí này bởi sự kỳ vọng từ đó là rất lớn. Khi bạn là người đi rừng của một đội tuyển, lối chơi của cả đội sẽ theo cách mà bạn chơi. Bạn chơi kiểm soát thi đấu chậm, cả 3 đường đều sẽ chơi an toàn. Nhưng khi tấn công và áp đặt, chắc chắn cả 3 đường của đội bạn sẽ phải chơi chủ động hơn nhiều. Và chủ động cũng chính là tiêu chí của những người đi rừng Việt Nam, khi các đội tuyển VCS ưu tiên lối chơi tấn công hơn là cách chơi ru ngủ đối thủ.
Những cái tên hứa hẹn nhất
Khi người đi rừng Đỗ “Levi” Duy Khánh xác nhận trở lại VCS trong màu áo đội tuyển từng thành công với anh là GAM Esports, các đội tuyển còn lại cũng đã cố gắng có cho mình ít nhất 1 người đi rừng ưng ý nhất. Không phải danh tiếng là thứ được ưu tiên mà những màn trình diễn là thứ để đánh giá 1 người đi rừng đủ tốt hay không, có đủ để đương đầu với một người quá hiểu khu rừng như Levi hay không.
Nguyễn Lê “YiJin” Hải Đăng sẽ là cái tên đầu tiên được nghĩ tới ở cuộc chiến này. Trong những người đi rừng tỏa sáng sau khi Levi rời đi vào đầu năm 2018, YiJin là tuyển thủ đi rừng có sự trưởng thành vượt bậc nhất. Anh luôn cố gắng thay đổi và tìm hiểu meta đi rừng hợp lý nhất với từng đội hình mà EVS đưa ra. Khi chuyển sang khoác áo FL, YiJin được tin tưởng tới mức đội tuyển này đồng loạt chia tay cả 2 người đi rừng cũ của đội là Kaiz và Vormund. Tất nhiên LMHT là một trò chơi tập thể, nhưng tầm ảnh hưởng của người đi rừng ở trò chơi này khá lớn nên sự kỳ vọng vào YiJin là tương đối nhiều.
Bên cạnh YiJin, Meliodas, Xuhao, DNK cũng đã có cho mình những trải nghiệm thực sự tốt để hướng tới VCS Mùa Hè 2019 một cách nghiêm túc nhất. Cặp đôi đi rừng của DBL sẽ gặp một số khó khăn nhất định sau sự ra đi của đường trên Phạm “Zeros” Minh Lộc. Bên cạnh đó còn là việc DBL với áp lực đang là nhà đương kim vô địch sẽ khó lòng bào chữa cho bất cứ một thất bại nào của đội. Meliodas và Xuhao cần bùng nổ và trưởng thành hơn nữa bởi guồng quay của VCS đang ngày một khốc liệt, mọi sai lầm sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Người còn lại trong số những cái tên được hứa hẹn là Đỗ “DNK” Ngọc Khải. Chỉ mới được tin tưởng giao phó vị trí đi rừng chính thức trong 2 mùa giải gần nhất, DNK đã có nhiều bước trưởng thành hơn về lối chơi và cả cách bao quát bản đồ. Được làm việc với một HLV rất ham học hỏi những thứ tinh túy của LMHT khắp thế giới như Minh Hảo, DNK cần chứng minh bản thân nhiều hơn nữa, nhất là khi đội đã có sự đầu tư của một tổ chức Esports mang tầm cỡ quốc tế như Lowkey Esports. LKE cần DNK tỏa sáng, và DNK sẽ phải cố gắng nhiều hơn khi sự cạnh tranh với Kaiz sẽ không hề dễ dàng nữa.
Cuộc chiến không dành cho các tay mơ
Khi có những cái tên bùng nổ ở vị trí đi rừng thì sẽ có những người có vẻ nằm ngoài cuộc chơi của các “thần rừng“. Đây là điều có thể tác động trực tiếp tới vị trí của đội tuyển mà họ thi đấu trên bảng xếp hạng bởi VCS là một giải đấu rất chú trọng vào các tình huống gank từ rất sớm, thậm chí băng trụ với một người đi rừng biết đọc bản đồ. Về phần này, chắc chắn những tuyển thủ chưa từng xuất hiện tại VCS gặp phải nhiều điều bất lợi nhất.
QG đến với VCS năm nay với một người đi rừng từng thi đấu tại VCS trước đó rồi là Trần “Ciel” Tiến Thịnh. Vậy nhưng những thời điểm Ciel còn thi đấu trong màu áo HoF, rồi sau đó là GAM đều không để lại cho người hâm mộ quá nhiều sự ấn tượng. Sự khó khăn của QG là họ sở hữu một đội hình thực sự non nớt về mặt kinh nghiệm, và chỉ trông chờ vào khả năng gánh đội của Nevan đường trên để hướng về phía trước. Bên cạnh đó, khả năng cấm chọn và là HLV của QTV vẫn đặt lại dấu hỏi khá lớn bởi anh phải đối đầu rất nhiều HLV giỏi khác tại VCS. Liệu lối đi rừng của Ciel có đủ tốt để giữ QG tránh khỏi 2 vị trí buộc phải tham dự vòng thăng hạng?
Những người đi rừng của CES phần nào đó có những sự bất lợi khi đã khá lâu họ không thi đấu ở vị trí này. Cả Văn “Pot” Hữu Bảo và Vũ “Knight” Hồng Sơn đều đã ít nhất 1 mùa giải không thi đấu ở vị trí đi rừng. Có rất nhiều sự thay đổi mà bản thân những người chơi ở vị trí đi rừng cũng khó nắm bắt được ngay chứ chưa nói tới những người cả 1 giai đoạn mùa Xuân không chơi ở vị trí đó trong chuyên nghiệp. Đây là điểm rất bất lợi mà CES sẽ phải đối mặt.
Đội tuyển còn lại là EVOS sẽ chơi với người đi rừng Nguyễn “Sorn” Minh Hào. Thực sự đáng tiếc cho Sorn khi anh đã chơi đầy nỗ lực ở VCS mùa Xuân 2019 vừa qua nhưng việc phần lớn đội hình CES xuống phong độ khiến công sức của anh chàng này dường như công cốc. Đến với EVS, Sorn sẽ đối mặt với 1 nhiệm vụ khó khăn hơn, khi phong độ các cái tên mới chưa rõ ràng thì họ lại rất dễ bị yếu tâm lý và mắc phải sai lầm. Biob, Mias, Coyote sẽ phải đương đầu hàng loạt thử thách trước mắt. Sorn sẽ không được phép mắc sai lầm nếu không muốn giấc mơ CKTG 2019 của EVS tan thành mây khói.
Đại chiến rừng xanh VCS Mùa Hè 2019 – Vươn lên hay bị vùi dập?
Không chỉ những tuyển thủ trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, kể cả những cái tên đã khẳng định tên tuổi mình như Levi, YiJin…cũng không được phép chủ quan mà phải tự vận động bản thân nhiều hơn để có khả năng đi rừng tốt nhất cho mùa giải mới. Trong cái khó luôn sẽ ló ra cái khôn, Levi từng gặp hàng tá khó khăn khi phải chơi với 4 thành viên chẳng thể có chung 1 ngôn ngữ ở All-Star 2017, nhưng anh vẫn nỗ lực để tiến lên và giúp đội tuyển All-Star Đông Nam Á lọt vào tới bán kết.
Đó sẽ là một câu chuyện được kể nhiều lần nữa để nhắc nhở rằng người đi rừng Việt Nam luôn phải là những người nổi bật nhất. Ở bất cứ đội tuyển nào thực sự thành công, họ luôn cần 1 người đi rừng biết cách đưa cả đội tới với thành công trên màu sắc đi rừng của riêng họ. Vươn lên sẽ là thứ mà bất cứ cái tên nào đi rừng tại VCS Mùa Hè 2019 cần hướng tới. Không chỉ vươn lên vượt qua rào cản tâm lý, những vị tướng mới lạ và những cách đi rừng khác nhau sẽ giúp đội tuyển mà họ thi đấu có nhiều chiến thuật khó bắt bài hơn.
Ở chiều hướng ngược lại, bạn đi rừng cho một đội tuyển VCS mà luôn cố gắng theo 1 lối món về cách chọn tướng và xử lý các bãi quái rừng theo một thứ dập khuân, bạn sẽ tự lôi đội mình xuống vực thẳm. Sự kỳ vọng vào cả 8 cái tên tham dự VCS Mùa Hè 2019 là rất lớn. Nhiều cái tên nếu thua cuộc sẽ gặp phải hàng tá chỉ trích. Một trong nơi đón nhận điều này nhiều nhất chắc chắn là vị trí đi rừng. Vươn lên hay bị vùi dập? Mỗi tuyển thủ sẽ tự có được câu trả lời với những gì sẽ diễn ra sắp tới tại VCS Mùa Hè 2019.