Từ khi mới học tiểu học, anh Vũ Đức Anh đã có đam mê mãnh liệt với các sản phẩm trò chơi điện tử. Với đam mê mãnh liệt, anh đầu quân tại 1 trong những công ty phát hành game lớn nhất Việt Nam, với vai trò BI&RnD Manager, anh phân tích dữ liệu, tối ưu tài chính và lựa chọn sản phẩm game hard core phát hành cho Gamota và hiện tại thực hiện ước mơ tự mình sản xuất game với Head of Gabros Studio.
Anh Vũ Đức Anh chia sẻ: “Làm game không chỉ là sáng tạo, mà còn là một hành trình dài của sự học hỏi, thích nghi và đổi mới. Với 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Game và có cơ hội tham gia nhiều dự án đình đám như Ỷ Thiên Đồ Long Ký (Perfect World), AxE, ROTK The Legend of Cao Cao (Nexon), Lords Mobile (IGG). Trong bài viết này, anh chia sẻ về những kỹ năng cần thiết, con đường học tập và lời khuyên cho các nhà phát triển trẻ trong ngành”.
Làm game không chỉ là công nghệ, mà còn là tư duy!
Trong ngành công nghiệp game đầy cạnh tranh, ngoài kỹ năng chuyên môn, một nhà phát triển giỏi cần có những tố chất đặc biệt. Theo anh Đức Anh, có ba kỹ năng quan trọng mà bất kỳ ai theo đuổi lĩnh vực này cũng nên rèn luyện.
Kỹ năng học và tự học: Thế giới game thay đổi liên tục, công nghệ cập nhật từng ngày. Nếu không liên tục học hỏi, bạn sẽ sớm bị đào thải. “Tôi từng chứng kiến nhiều người có hơn 10 năm kinh nghiệm nhưng vẫn phải rời ngành vì không theo kịp sự thay đổi,” anh chia sẻ.
Kỹ năng phân tích và xử lý vấn đề: Một tựa game thành công không chỉ dựa vào đồ họa đẹp hay cốt truyện hay, mà còn phải được tối ưu về mặt dữ liệu và trải nghiệm người chơi. Nhà phát triển cần biết phân tích số liệu, tìm ra vấn đề và giải quyết triệt để.
Kỹ năng giao tiếp: Game là sản phẩm của một tập thể. Nếu game designer không thể truyền đạt ý tưởng rõ ràng cho developer hay artist, thì sản phẩm cuối cùng sẽ không thể đạt kỳ vọng.
Theo anh có cần học chính quy để làm game không?”
Đây là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Theo anh Đức Anh, việc học là rất quan trọng, nhưng không phải yếu tố quyết định duy nhất.
“Nếu chỉ học mà không thực hành, bạn sẽ không thể tạo ra một game xuất sắc. Nhưng nếu được đào tạo bài bản từ đầu, chắc chắn bạn sẽ có lợi thế hơn. Nếu ngày xưa có ngành đào tạo chính quy về game, tôi cũng sẽ theo học để rút ngắn thời gian mò mẫm,” anh chia sẻ.
Làm game đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức nền tảng, kinh nghiệm thực tế và khả năng sáng tạo. Nếu không học chính quy, bạn vẫn có thể tự học qua tài liệu, khóa học online và quan trọng nhất là bắt tay vào làm thực tế.
Vũ Đức Anh thường xuyên đóng vai trò cố vấn tại các cuộc thi phát triển tài năng lập trình game Việt Nam (Nguồn: GameJam 2025)
Quảng bá game khi ngân sách marketing hạn chế: Chiến lược nào giúp phát hành hiệu quả?
Với các nhà phát triển trẻ, việc đưa sản phẩm ra thị trường luôn là một bài toán khó, đặc biệt khi không có nguồn lực lớn cho quảng cáo. Anh Đức Anh gợi ý ba bước quan trọng để tối ưu chi phí marketing.
Để quảng bá game hiệu quả với ngân sách hạn chế, các nhà phát triển cần có chiến lược rõ ràng và tập trung vào những yếu tố quan trọng. Trước hết, việc xác định rõ người chơi mục tiêu (persona) là bước quan trọng hàng đầu. Bạn cần hiểu ai sẽ chơi game của mình, họ sống ở đâu, tương tác trên nền tảng nào và có thể tiếp cận họ qua những kênh miễn phí nào. Nếu không nắm rõ chân dung khách hàng, việc tối ưu doanh thu sẽ trở nên khó khăn.
“Các bạn sinh viên có thể tham gia các cuộc thi phát triển game để trau dồi kỹ năng và cập nhật các công cụ mới nhất.” – Anh Đức Anh chia sẻ
Bên cạnh đó, tận dụng sức mạnh cộng đồng cũng là một cách tiếp cận hiệu quả. Việc xây dựng một nhóm người chơi trung thành, thường xuyên lắng nghe phản hồi từ họ sẽ giúp game phát triển theo đúng nhu cầu thị trường. Hiện nay, nhiều studio nhỏ và vừa đang áp dụng mô hình Early Access, cho phép người chơi trải nghiệm game trước khi ra mắt chính thức để thu thập phản hồi và tối ưu sản phẩm.
Cuối cùng, tập trung vào các chỉ số hiệu quả là yếu tố quyết định đến thành công của chiến dịch quảng bá. Quảng cáo không chỉ đơn thuần là chi tiền, mà còn là tối ưu nguồn lực. Nhà phát triển cần theo dõi sát các chỉ số quan trọng như CPI (Cost per Install) và LTV (Lifetime Value) để đảm bảo chiến dịch tiếp cận đúng đối tượng và mang lại hiệu quả cao nhất. Khi biết cách kết hợp cả ba yếu tố trên, ngay cả với ngân sách hạn chế, các nhà phát triển vẫn có thể đưa game của mình đến gần hơn với cộng đồng người chơi và đạt được sự tăng trưởng bền vững.
Tương lai của ngành game Việt: Cơ hội nào đang mở ra?
Hiện tại, Việt Nam có thế mạnh trong thể loại Hyper-Casual, đặc biệt sau thành công của Flappy Bird. Tuy nhiên, ngành đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang Hybrid Casual – dòng game kết hợp giữa sự đơn giản của Hyper-Casual với chiều sâu gameplay của Mid-core.
Bản thân Gabros Studio cũng đang theo đuổi một hướng đi táo bạo mà ít studio nào tại Việt Nam theo đuổi: phát triển game Hardcore trên mobile. “Tôi tin rằng trong tương lai, sẽ có nhiều studio Việt Nam dấn thân vào thể loại này. Những thế hệ làm game đầu tiên ở Việt Nam đa phần là gamer hardcore, nên chắc chắn họ sẽ muốn tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng,” anh Đức Anh nhận định.
Ngành game Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Công nghệ thay đổi, nhu cầu người chơi cũng thay đổi, và đây là thời điểm tốt để những nhà phát triển trẻ dấn thân, sáng tạo và bứt phá.
Làm game chưa bao giờ dễ, nhưng nếu có đam mê, học hỏi không ngừng và kiên trì theo đuổi, bạn hoàn toàn có thể tạo ra những dấu ấn riêng trong ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.