Việc sử dụng những ngoại binh người Hàn không còn là điều gì đó quá xa lạ đối với tất cả các đội tuyển trên toàn thế giới (có lẽ là trừ VCS ra). Dù trong năm 2018 vừa rồi, khi Hàn Quốc đã bị lật đổ khỏi ngai vàng thống trị Liên Minh Huyền Thoại thế giới bởi người Trung, nhưng có vẻ như làn sóng sử dụng những tuyển thủ Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tiếp tục là một lớp tuyển thủ mới rời khỏi LCK và chinh chiến ở những giải đấu mới. Hãy cùng điểm qua các tuyển thủ vừa chuyển từ Hàn Quốc đến thi đấu tại LEC và LCS trong giai đoạn vòng bảng giai đoạn Mùa Xuân vừa rồi, để xem liệu các tuyển thủ này có thực sự mang lại lợi thế hay không nhé!
LEC
Gorilla (Kingzone DragonX -> Misfits Gaming)
Kingzone DragonX đã từng là một hiện tượng ở LCK trong giai đoạn cuối 2017 – đầu 2018 tuy nhiên chả hiểu sao họ là đổi tên thành Chokezone DragonX ngay sau đó… Sau một mùa giải 2018 thất bại, Kingzone đã đi đến quyết định thay đổi gần như toàn bộ nhân sự, cùng với đó là sự tan rã của cặp đôi huyền thoại PraY-GorillA. GorillA đến LEC và đánh cặp với Hans Sama trong màu áo Misfits, trong khi PraY tạm nghỉ thi đấu chuyên nghiệp một thời gian.
Tuy nhiên, màn trình diễn của GorillA trong đội tuyển mới không hề được như mong đợi. KDA 2.25 của anh là thấp nhất trong số các hỗ trợ của giải đấu, trong khi bản thân Misfits cũng không thể có một vị trí trong playoff, dù đã khởi đầu mùa giải với tỉ số 3-0. Vấn đề của Mitfits nằm ở sự bất ổn và những quyết định sai lầm của họ, và điều đó đã khiến họ chỉ có được vị trí thứ 8 với tỉ số 8-10.
Pirean (SK Telecom T1 -> SK Gaming)
Sau một năm luân chuyển vị trí với huyền thoại Faker nhưng không có được nhiều thành công ở mùa giải trước trong màu áo SKT, Pirean đã quyết định chuyển đến LEC. Trùng hợp thay, đội tuyển lần này Pirean tham gia cũng là SK, cơ mà chỉ là SK thôi…
Pirean đã có một mùa giải không quá nổi bật khi có một KDA không hề tốt ở vị trí đường giữa – 2.82. Dù vậy, SK vẫn có được một suất ở vòng đầu tiên của Playoff, tuy nhiên họ đã thất bại với Splyce với tỉ số 3-1.
Mowgli (Afreeca Freecs -> Team Vitality)
Mowgli là một trong những nhân tố quan trọng giúp Afreeca đến với Chung Kết Thế Giới 2018. Tuy vậy, với phong độ ổn định của Spirit, Mowgli thường phải ngồi ngoài dự bị và điều đó đã khiến anh rời đi để tìm cho bản thân những thử thách mới. Lần này, khi không còn ai cạnh tranh vị trí, Mowgli được ra sân cả 18 trận đấu ở LEC Mùa Xuân trong màu áo Team Vitality.
Về mặt chỉ số, Mowgli cũng không quá nổi bật ở LEC, và thậm chí không có bất kỳ điểm MVP nào trong cả mùa giải. Dù vậy, Team Vitality cũng giành được một suất thi đấu ở vòng đấu playoff đầu tiên, nơi họ thất bại 0-3 trước nhà đương kim vô địch Fnatic. Chính “cậu bé rừng xanh” cũng đã thừa nhận rằng anh cần thêm thời gian để thích ứng và học ngoại ngữ trước khi thực sự chơi tốt ở LEC.
IgNar (bbq Olivers -> FC Schalke 04)
IgNar thật ra không phải là một tân binh của LEC, bởi anh đã có một khoảng thời gian thi đấu cực kỳ ấn tượng trong màu áo Mitfits vào năm 2017, trước khi quay về LCK và thi đấu cho bbq Olivers. Dù vậy, “gà nướng” vẫn không thoát khỏi kết cục xuống hạng sau mùa giải 2018, khi vòng thăng hạng LCK có sự xuất hiện với toàn những con “quái vật” như SANDBOX hay DAMWON.
Dù thể hiện một phong độ khá ổn ở LEC mùa này, với KDA và tỉ lệ hỗ trợ cực tốt, nhưng Schalke 04 của IgNar vẫn không thể có được chiếc vé cuối cùng tham dự playoff sau khi thất bại trước SK Gaming trong trận tiebreaker. Nhìn chung, IgNar vẫn là tuyển thủ Hàn Quốc có màn trình diễn tốt nhất ở LEC.
LCS
CoreJJ (Gen.G Esports -> Team Liquid)
Giống như IgNar, CoreJJ cũng đã từng thi đấu ở LCS NA nhiều năm trước khi quay về Hàn Quốc và có được chức vô địch thế giới đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Sau khi đã hoàn thành “mục tiêu cuộc đời”, CoreJJ lại một lần nữa trở lại LCS.
Cùng với màn trình diễn hết sức thuyết phục của cả tập thể Team Liquid, CoreJJ cũng trở thành một trong những tuyển thủ Hàn Quốc thành công nhất ở phương tây. Các chỉ số của CoreJJ đều nổi bật, bao gồm số lượng hỗ trợ, KDA hay tham gia hạ gục, và kể cả số lượng MVP có được. Thậm chí, anh là một trong những ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu MVP cá nhân ở mùa giải này.
Bang (SK Telecom T1 -> 100 Thieves)
Là một trong những xạ thủ biểu tượng của lịch sử Liên Minh Huyền Thoại Thế Giới, người đã có hai chức vô địch thế giới trong tay, Bang rất được mong chờ sẽ tỏa sáng ở LCS năm nay trong màu áo của 100 Thieves.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của tất cả mọi người, á quân LCS lại kết thúc vòng bảng với tỉ số tan nát 4-14, đứng chót bảng xếp hạng. Vấn đề không hề nằm ở Bang, nhất là khi chỉ số thống kê đã cho chúng ta thấy điều ngược lại. Tuy nhiên, một cánh én không thể làm nên mùa xuân, một mình Bang không thể gánh hết tạ khi những đồng đội của anh lại thể hiện một phong độ hết sức yếu kém.
Tạch LCS rồi thì làm gì bây giờ…
Crown (Gen.G Esports -> OpTic Gaming)
Cùng với CoreJJ, nhà cựu vô địch thế giới Crown cũng rời LCK để tìm kiếm những thử thách mới ở phương tây sau khi đã hoàn thành “mục tiêu của cuộc đời”, và điểm đến của Crown là OpTic Gaming.
Rất tiếc, OpTic kết thúc mùa giải khi chỉ còn cách playoff 1 trận thắng nữa. Crown cũng có một màn trình diễn không đến nỗi nào, khi anh có đến tận 5 MVP trong số 7 trận thắng của OpTic ở mùa này, dù cho các chỉ số của Crown nằm ở top dưới trong số những người đi đường giữa tại LCS.
Rush (kt Rolster -> Echo Fox)
Cũng như CoreJJ, Rush đã quay lại LCS sau một mùa giải chinh chiến ở LCK cùng KT Rolster. Tuy không được ra sân quá nhiều do Score vẫn giữ phong độ cực tốt trong suốt mùa giải 2018, nhưng KT Rolster của Rush cũng đã có một mùa giải vô cùng thành công với chức vô địch LCK Mùa Hè và chỉ thất bại trong gang tấc trước đương kim vô địch thế giới IG với tỉ số 3-2.
Trong màu áo mới Echo Fox, Rush cũng phải mất một vài tuần đầu để thích ứng, trong đó có một tuần phải thi đấu trong màu áo đội tuyển Academy. Tuy nhiên, sau khi thích ứng xong, Rush đã trở lại vô cùng mạnh mẽ với chuỗi thắng 4-0 với những đối thủ sừng sỏ như TSM hay Cloud9 và đưa Echo Fox vào thẳng Playoff. Dù vậy, trong trận đấu playoff đầu tiên, Echo Fox của Rush đã bị TSM đánh bại với tỉ số 3-1.
Theo Invenglobal